Bạn là người mới dấn thân vào ngành Graphic design? Có quá nhiều font chữ khiến bạn cảm thấy bối rối? Bạn không biết cách phân biệt giữa các Type-face và ứng dụng chúng trong trường hợp nào, với mục đích gì? Nếu bạn có ít nhất 1 trong những lí do trên thì xin chúc mừng bạn bài viết này hoàn toàn có thế giúp bạn giải quyết được những vấn đề đó.
Trong bài viết này tôi và các bạn sẽ cùng nhau tìm hiểu có bao nhiêu họ Type-face có bản, mỗi loại có những đặc tính gì và cách ứng dụng của chúng trong thiết kế như thế nào nhé.
1. Font Serif
Serif nghĩa là một đường thẳng hoặc một nét nhỏ ở trên thành phần của chữ, thường là những đường định hướng và ổn định cấu tạo chữ. Serif thường được biết đến với tên gọi “chữ có chân”.
a. Old Style
Kiểu chữ serif old-style đã có mặt từ năm 1465, không lâu sau khi thợ kim hoàn Johannes Gutenberg cho ra đời phương pháp in ấn “movable type”. Các nhà in ở Ý đã tạo ra một loại chữ thích hợp với phương pháp in này, lấy cảm hứng từ thư pháp thời Phục hưng. Old-style là kiểu chữ được các nhà in ưa chuộng nhất bởi vẻ ngoài mộc mạc và sự dễ đọc của chúng trên giấy.
- Contrast: độ tương phản dày-mỏng của nét chữ ở mức vừa phải.
- Serif luôn đi kèm bracket, đầu của serif hơi cong, bracket cũng thường là đường cong.
- Axis: một vài phiên bản được nhận biết bởi chữ hướng nghiên của ký tự e thường (lowcase)
b. Transitional Serifs
Kiểu chữ serif transitional, hay còn gọi là baroque, xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 17. Đây là kiểu chữ có sự pha trộn giữa old-style và kiểu chữ serif hiện đại, đó chính là lý do tại sao nó được đặt tên là Transitional.
- Contrast: mạnh hơn font Old-style một chút
- Serif: tương tự như Old-style, đầu serif rõ ràng vuông vắn hơn nhờ sự phát triển của công nghệ in ấn.
- Axis: luôn thẳng đứng
c. Neoclassical & Didone Serifs
Kiểu chữ serif Didone, hay còn gọi là serif hiện đại trên thực tế đã xuất hiện từ cuối những năm 1700 và 1800. Kiểu chữ được ra đời và phát triển bởi các nhà in người Pháp, Ý và Đức là Firmin Didot, Giambattista Bodoni, Justus Erich Walbaum. Mục tiêu của họ là tạo ra các đoạn văn bản in ấn có thiết kế thanh lịch hơn, từ đó họ đã phát triển ra kiểu chữ serif với độ tương phản giữa các nét thanh đậm cực kì cao để thể hiện được công nghệ sản xuất giấy và in ấn ngày càng tinh tế của thời kỳ ấy.
- Contrast: mạnh
- Axis: thẳng đứng
- Bracket: không có hoặc rất nhỏ
- Terminal: hình tròn (hầu hết) thay vì nét vẩy của bút lông
d. Slab Serifs
Kiểu chữ slab serif bắt đầu xuất hiện từ năm 1817, với mục đích ban đầu là để sử dụng trong các poster cần thu hút sự chú ý. Slab serif cũng có rất nhiều biến thể: một số font chữ thì theo phong cách geometric với độ dày của các nét chữ không thay đổi nhiều. Số khác thì lại có cấu trúc giống với hầu hết các kiểu chữ serif khác, nhưng có phần serif rõ ràng, đậm nét hơn.
- Contrast: yếu
- Serif: dày, nặng và dày bằng bề dày của stroke.
- Bracket: nhỏ (hoặc không có)
e. Clarendon Serifs
Clarendon xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19. Clarendon như một sự hòa trộn giữa Old style và Slab Serifs. Không quá cứng nhắc và vuông vức như slab Serifs, Clarendon vẫn có những nét cong mềm mại giúp con chữ trở nên mềm mại và thanh thoát hơn.
- Contrast nhẹ, mạnh dần lên ở các type-face sau-cùng thời.
- Serif ngắn hơn mức trung bình, và cũng dài hơn ở các type-face được thiết kế sau-cùng thời.
- Bracket thường rất nhỏ
f. Glyphic Serifs
Type-face trong thể loại này có xụ hướng bắt chước các vết khắc trên đá. Trong một số hệ thống phân loại thì Glyphic được chia làm 2 nhánh con là “glyphic” and “latin”. Ở kiểu latin thì các bạn sẽ thấy serif là các hình tam giác.
- Contrast rất yếu, thường khó nhìn ra bằng mắt.
- Axis thẳng đứng
- Serif hình tam giác, hoặc là một vạt nhọn giống như vết khắc bằng đục.
Ứng dụng của kiểu chữ serif
Trong in ấn, xuất bản
Nhờ có lịch sử phát triển lâu đời, gắn liền với sự phát triển của ngành in nên kiểu chữ serif được sử dụng phổ biến nhất trong in ấn sách, báo, tạp chí. Vậy nên, nếu thiết kế của bạn có nhiều chữ, hãy cân nhăc sử dụng serif nhé, bởi phần chân của kiểu chữ này sẽ giúp điều hướng mắt người đọc đó.
Trong nhận diện thương hiệu
Kiểu chữ serif thường tạo cảm giác trang nhã, tự tin và đáng tin cậy. Vậy nên, nếu thương hiệu của bạn hướng đến sự cao cấp, nghiêm túc hoặc truyền thống (văn phòng luật, tòa soạn, công ty bảo hiểm,…), hãy cân nhắc sử dụng kiểu chữ serif để truyền tải được chính xác đặc điểm của thương hiệu. Một số thương hiệu sử dụng kiểu chữ serif trong bộ nhận diện của mình:
Dacum – Thương hiệu cung cấp mỹ phẩm cao cấp – Dacum-cosmetic
Vamima – Thương hiệu trang sức – Vamima-project
Kết luận
Chúng ta đã đi được gần một nửa chặng đường về các họ cơ bản của Type-face. Hy vọng các bạn đã nắm được cho mình cách phân biệt và ứng dụng cơ bản các type-face trong họ Serif nhé. Mời các bạn cùng đón chờ phần 2 tại đây